Gác lửng khá hợp với những căn nhà có nhu cầu thương mại, giao
tiếp nhiều ở tầng trệt. Khoảng thông tầng cao lên phía trước giúp chủ nhà dễ
dàng quản lý, quan sát việc buôn bán, tiếp khách. Gác lửng thường phối hợp với
các chiếu nghỉ cầu thang, giúp giảm được số lượng bậc thang không phải đi một
mạch lên lầu, và có vị trí bao quát được trục giao thông toàn nhà. Khi nhà dài,
gác lửng còn giúp không gian biến đổi từ trước ra sau phong phú hơn, nếu khéo
kết hợp cùng với giếng trời và cầu thang sẽ thành một nhóm "làm điệu"
cho phòng khách.
Gác lửng thường cao khoảng 2,5 m, tùy trường hợp có thể làm như
phòng khách phụ. Nếu dùng gác lửng để làm chỗ sinh hoạt gia đình thì nên làm
cao hơn và thông ra được giếng trời. Lúc này giải pháp lệch tầng sẽ giúp cho
gác lửng cao mà khoảng trống phía trước vẫn không quá lớn.
Gác lửng tránh làm rộng và dài quá bởi sẽ thành gác suốt, thành
một tầng mà chiều cao hạn chế thì "lợi bất cập hại". Đối với nhà mái
dốc chỉ có một trệt một lửng, không gian trên gác lửng mở thành áp mái, không
nên làm thấp để tránh bị tích nhiệt dưới mái. Những dầm biên (trước - sau) của
gác lửng có thể lật lên trên để tránh cảm giác án ngữ khi đi ngang bên dưới.
Cần tận dụng các khoảng cửa sổ trên cao của phòng khách, vừa thông thoáng lấy
sáng gián tiếp cho gác lửng.
Về mặt phong thủy, gác lửng kề cận giếng trời sẽ tạo nên sự hài
hòa trường khí. Không gian gác lửng vốn tĩnh, được gặp giếng trời và phòng
khách thêm động sẽ tốt hơn. Chiều cao gác lửng vốn thấp lại được tương giao với
giếng trời vốn cao. Việc dùng gác lửng kề bên giếng trời làm chỗ thư giãn nghỉ
ngơi khá hợp phong thủy và tạo được góc nhìn đẹp. Khá nhiều nhà cổ tại Hội An
hay Hà Nội từng sử dụng giải pháp này.
(Theo Nhà Đẹp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét